Viêm khớp dạng thấp: Một số thông tin cần biết

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý xương khớp xảy ra khá phổ biến hiện nay. Trong đó, phụ nữ là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin về bệnh viêm khớp dạng thấp, nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh. 

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp còn được gọi là bệnh lý viêm đa khớp dạng thấp. Tình trạng này xảy ra ở các khớp, gây tổn thương màng hoạt dịch, phá hủy sụn khớp, phần dưới xương sụn bị bào mòn. Từ đó, các khớp sẽ bị hủy hoại và mất khả năng vận động.

Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra do sự rối loạn tự miễn trong cơ thể
Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra do sự rối loạn tự miễn trong cơ thể

Viêm khớp dạng thấp bệnh học là một bệnh lý mãn tính do sự rối loạn tự miễn trong cơ thể, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong cơ thể, dẫn đến tình trạng đau, sưng và xơ cứng khớp. Đa số bệnh xảy ra ở khớp lưng, khớp tay, khớp bàn chân và khớp gối. 

Không giống như những tổn thương viêm khớp khác, bệnh lý này còn ảnh hưởng đến niêm mạc của khớp, gây ra tình trạng sưng đau, xương bị bào mòn. Từ đó làm khớp bị biến dạng và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh hoạt hàng ngày của người bệnh như cầm bút, cầm đồ vật, mặc quần áo…

Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp

Theo các thống kê, cứ 100 người trưởng thành thì có 5 trường hợp mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh xảy ra chủ yếu ở người trên 30 tuổi. Dưới đây là một số yếu tố thuận lợi gây ra tình trạng viêm khớp dạng thấp:

  • Yếu tố di truyền: Bệnh lý này có khả năng di truyền từ những người thân trong gia đình. Nếu cha mẹ, ông bà bị viêm khớp dạng thấp thì khả năng mắc bệnh của bạn cao gấp 2 – 3 lần so với người bình thường.
  • Giới tính: Có đến 70 – 80% bệnh nhân mắc phải căn bệnh này là nữ giới có độ tuổi từ 30 tuổi trở lên. Tỷ lệ này nhiều gấp 2 – 3 lần so với nam giới.
  • Cân nặng: Những người thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn so với người bình thường. Vì lúc này, khung xương khớp phải chịu đựng một áp lực lớn để nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Từ đó gây ra các tổn thương ở xương khớp. 
  • Tác nhân gây bệnh: Các loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể và gây ra tình trạng sưng viêm, viêm nhiễm ở các ổ khớp. 
  • Do chấn thương: Người bệnh bị chấn thương, va đập  do tham gia giao thông, chơi thể thao… nhưng không được điều trị kịp thời thì sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm tại các khớp. 
  • Chế độ sinh hoạt không lành mạnh: Thường xuyên ngồi, đi, đứng sai tư thế hoặc khuân vác vật nặng sẽ ảnh hưởng đến các cơ xương khớp. Ngoài ra, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê cũng là nguyên nhân làm tăng khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. 
  • Yếu tố thuận lợi khác: Sinh sống trong môi trường ẩm thấp sẽ khiến cơ thể suy yếu và mắc phải nhiều bệnh tật. Ngoài ra, người bị stress thường xuyên, mắc bệnh truyền nhiễm, sau phẫu thuật có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn. 

Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp

Biểu hiện của viêm khớp dạng thấp sẽ khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Bệnh sẽ có xu hướng lây lan sang các khớp khác trên cơ thể như khuỷu tay, cổ tay, hông, vai… 

Giai đoạn khởi phát

  • Bệnh gây đau nhức âm ỉ ở các khớp tay, đầu gối và cơn đau sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn.
  • Cơn đau lại tăng dần mỗi khi vận động mạnh và có xu hướng giảm đi mỗi khi nghỉ ngơi.
  • Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, có dấu hiệu sốt nhẹ vào buổi chiều. Người toát nhiều mồ hôi dù không làm việc nặng nhọc hay vận động mạnh. 
  • Bệnh nhân sẽ cảm thấy bị đau toàn thân dù trước đó cơ thể không đi lại, vận động mạnh. Bệnh thường kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát với các dấu hiệu viêm khớp dạng thấp nặng hơn. 

Giai đoạn toàn phát

  • Bệnh nhân sẽ cảm thấy cứng khớp sau khi ngủ dậy vào buổi sáng và mất khoảng 10 – 15 phút thì khớp mới trở về bình thường.
  • Các khớp ở cổ tay, cổ chân và đầu gối bị sưng, đỏ, nóng và bên trong có chứa dịch khớp. Khi ấn vào, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức dữ dội và làm hạn chế khả năng vận động. 
Bệnh gây ra triệu chứng biến dạng, sưng, nóng khớp
Bệnh gây ra triệu chứng biến dạng, sưng, nóng khớp
  • Các ngón tay có thể bị biến dạng thành hình thoi, cổ tay bị biến dạng thành hình lưng lạc đà. Phần mu bàn tay, lòng bàn tay bị sưng tấy.
  • Vùng da quanh khớp bị viêm sẽ ấm, có màu hồng nhạt hoặc đỏ hơn các vùng da lân cận.
  • Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với các biểu hiện viêm khớp dạng thấp như nổi gò lên mặt da, khớp lỏng lẻo, nổi ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân…

Hơn nữa, bệnh viêm khớp dạng thấp còn gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến những bộ phận khác trong cơ thể như phổi, thận, mô thần kinh, tủy xưởng, mắt, tim… Những triệu chứng này sẽ có mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. 

Bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mức độ nhẹ thì bệnh gây đau nhức dữ dội và hạn chế khả năng vận động. Ở mức độ nặng, bệnh sẽ gây tổn thương thần kinh ngoại biên, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, teo cơ và thậm chí là tàn phế.

Cụ thể, một số biến chứng của bệnh như sau:

  • Loãng xương: Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp.
  • Nhiễm trùng: Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể tác động và làm suy giảm hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể có nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Mắc bệnh tim mạch: Những bệnh nhân mắc bệnh này sẽ có nguy cơ bị xơ cứng khớp, tắc nghẽn động mạch và viêm túi bao quanh tim.
  • Thấp khớp: Viêm khớp có thể hình thành nên các khối mô cứng và xuất hiện nốt sần ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, kể cả ở phổi.
  • Mắc bệnh phổi: Tình trạng này kéo dài sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở và có nguy cơ gây viêm các mô phổi.
  • Ung thư hạch: Viêm khớp dạng thấp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch. Đây được xem là một nhóm bệnh gây bệnh ung thư máu trong hệ thống bạch huyết. 

Các cách điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Trong giai đoạn đầu, bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ khó có thể chẩn đoán vì những biểu hiện của bệnh chưa rõ ràng. Bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện một số kỹ thuật để kiểm tra xương khớp như  siêu âm khớp, chụp MRI, chụp X quang viêm khớp dạng thấp.  

Sau khi thu được kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với mức độ bệnh và thể trạng của mỗi người.

Uống thuốc Tây y

Người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định uống một số loại thuốc Tây y để cải thiện các cơn đau nhức, viêm nhiễm ở ổ khớp. Thuốc tân dược thường cho kết quả điều trị rất nhanh. Một số loại thuốc Tây y được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp như sau:

  • Thuốc chống viêm không steroid NSAID: Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau nhức, giảm viêm bao gồm Ibuprofen (Advil, Motrin IB) và Naproxen natri. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng dạ dày, tổn thương thận. 
  • Thuốc steroid: Các loại thuốc steroid có tác dụng làm giảm viêm, giảm đau và làm lành tổn thương ở khớp. Tuy nhiên, thuốc cũng gây ra các tác dụng phụ như loãng xương, tăng cân, tiểu đường…
  • Thuốc chống thấp khớp: Thuốc có công dụng làm chậm sự phát triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. hỗ trợ các khớp và mô khỏi tổn thương. Nhóm thuốc này bao gồm các loại thuốc như Methotrexate, Leflunomide, Hydroxychloroquine và Sulfasalazine. Tác dụng phụ mà thuốc có thể gây ra như tổn thương gan, thận, nhiễm trùng phổi…
  • Thuốc sinh học: Là nhóm thuốc ức chế tế bào B hoặc tế bào T giúp mang lại hiệu quả trong trường hợp người bệnh không đáp ứng được với các thuốc khác. 
Các loại thuốc Tây y giúp giảm tình trạng đau nhức, cứng khớp
Các loại thuốc Tây y giúp giảm tình trạng đau nhức, cứng khớp

Chỉ trong một thời gian điều trị ngắn, thuốc Tây y sẽ giúp người bệnh giảm tình trạng đau nhức, khó chịu, sưng viêm ở khớp. Tuy nhiên, bệnh nhân không được lạm dụng thuốc tân dược vì sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. 

Can thiệp ngoại khoa

Trong trường hợp, bệnh chuyển biến nặng và không đáp ứng thuốc điều trị, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng bệnh và thực hiện các phẫu thuật khi cần thiết. Phương pháp can thiệp ngoại khoa sẽ giúp bệnh nhân khôi phục lại chức năng sụn khớp và kiểm soát các cơn đau nhức. 

  • Phẫu thuật sửa chữa gân: Viêm khớp dạng thấp có thể khiến các gân xung quanh bị vỡ ra. Do đó, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật bằng cách sửa chữa các đường gân quanh khớp.
  • Phẫu thuật nội soi: Kỹ thuật này sẽ giúp loại bỏ lớp lót của các khớp bị viêm nhiễm. Phương pháp này sẽ được thực hiện tại các khớp như khuỷu tay, cổ tay, ngón tay, hông…
  • Thay thế toàn bộ khớp: Bác sĩ sẽ loại bỏ những phần bị tổn thương ở khớp và thay vào đó là bộ phận được làm từ kim loại và nhựa.
  • Phẫu thuật chỉnh trục: Đây là kỹ thuật nối cầu chì giúp điều chỉnh các khớp và giảm cảm giác đau so với phương pháp thay khớp.  

Đông y chữa bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng Tý. Khi kinh mạch, khí huyết bất thông, bế tắc, cơ thể sẽ khởi phát các cơn đau nhức, viêm khớp. Các bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng đả thông kinh mạch, khí huyết, tán hàn, giải độc và bồi bổ chức năng gan thận. 

Dưới đây là một số bài thuốc Đông y điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp mà người bệnh có thể tham khảo;

  • Bài thuốc số 1: Khương hoạt và phòng phong 10g mỗi loại, đương quy, xuyên khung, hoàng kỳ và xích thược mỗi vị 14g, giã cam thảo 6g, 3 quả đại táo, quế chi, trần bì và khương hoàng mỗi vị 12g. Người bệnh sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang, uống liên tục trong vòng 1 tháng. 
  • Bài thuốc số 2: Tri mẫu, long sa, bạch truật, thược dược, phòng phong, phụ tử và quế chi mỗi vị 9g. Người bệnh sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang thuốc, uống liên tục trong 1 tuần để điều trị bệnh. 
  • Bài thuốc số 3: Phòng phong, trư linh, đương quy, trạch tả, tri mẫu, hoàng cầm mỗi vị 9g, nhân sâm, khổ sâm, phấn cát mỗi vị 6g, thổ sa nhân 4,5g. Bạn tán thuốc thành bột thô, mỗi ngày lấy 30g thuốc, pha với nước và uống. 
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể được điều trị bằng thuốc Đông y
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể được điều trị bằng thuốc Đông y

Các bài thuốc Đông y thường cho tác dụng chậm hơn thuốc Tây y, do đó, người bệnh cần uống thuốc trong một thời gian dài mới khỏi bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân nên tìm đến các bác sĩ Đông y uy tín để được thăm khám, bốc thuốc, gia giảm thuốc đúng với tình trạng bệnh. 

Mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà

Nếu bị viêm khớp dạng thấp ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng các dược liệu thiên nhiên. Dưới đây là một số mẹo dân gian điều trị bệnh mà bạn có thể áp dụng:

  • Bột quế: Loại dược liệu này có tác dụng giảm đau nhức, sưng viêm ở ổ khớp. Bạn cho 2 muỗng cà phê mật ong vào 1 muỗng cà phê bột quế rồi cho vào 1 ly nước nóng. Người bệnh uống đều đặn hỗn hợp trên vào buổi sáng và buổi tối để điều trị bệnh. 
  • Cây chìa vôi: Cây chìa vôi có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc và kháng khuẩn rất tốt. Tất cả các bộ phận trên cây đều có tác dụng điều trị bệnh xương khớp. Bạn sử dụng một ít lá chìa vôi cho vào chảo rang với muối hột. Sau đó, bạn dùng hỗn hợp này để chườm lên vùng khớp bị đau nhức.
  • Gừng: Gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng kháng viêm và giảm đau hiệu quả. Bạn chuẩn bị 1 củ gừng và 100ml rượu trắng. Cắt thành từng lát rồi cho vào rượu ngâm trong 1 tuần. Mỗi ngày người bệnh lấy một ít rượu gừng thoa lên vùng bị đau nhức. 

Bài thuốc dân gian chữa viêm khớp dạng thấp chỉ có tác dụng cho người mắc bệnh nhẹ. Khi bệnh đã diễn biến nặng, bạn không nên tự điều trị tại nhà mà cần đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám. 

Vật lý trị liệu

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, vật lý trị liệu là một trong những phương pháp có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp rất hiệu quả. Một số kỹ thuật vật lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân như:

  • Nhiệt trị liệu: Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng nhiệt nóng tác động vào cơ thể giúp tăng tuần hoàn máu đi nuôi dưỡng các khớp xương. Ngoài ra, nhiệt trị liệu còn giúp giảm đau và chống viêm hiệu quả. 
  • Tia hồng ngoại: Người bệnh sẽ được chiếu kín từ 300 – 400cm2 toàn bộ khớp bị đau và các vùng lân cận. Mỗi đợt điều trị sẽ được chiếu từ 5 – 6 lần và mỗi liệu trình bao gồm 3 – 4 đợt. 
  • Bấm huyệt: Bấm huyệt là kỹ thuật tác động vào các huyệt đạo nhằm đả thông kinh mạch, giúp khí huyết lưu thông đều đặn. Để thực hiện bấm huyệt, người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế uy tín, chất lượng để thực hiện. 
  • Tắm và ngâm mình: Bệnh nhân có thể tắm và ngâm mình trong bùn, suối khoáng để cơ thể được nghỉ ngơi, tăng cường lưu lượng máu lưu thông và giảm đau nhức hiệu quả. 

Cách phòng ngừa bệnh

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh và rất khó để điều trị. Do vậy, người bệnh cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa dưới đây để hạn chế nguy cơ tái phát bệnh:

  • Cung cấp đủ nước mỗi ngày: Trong thành phần của sụn khớp, lượng nước chiếm đến 70% để duy trì sự trơn tru của hai đầu xương. Nếu cơ thể bị mất nước thì chức năng của sụn khớp sẽ bị suy giảm, thoái hóa, giòn và rất dễ gãy. 
  • Chế độ ăn uống hợp lý: Người bệnh cần bổ sung nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin C, E nhằm giúp xương khớp chắc khỏe và ngăn ngừa tình trạng thoái hóa. Ngoài ra, người bệnh hạn chế sử dụng các loại thực phẩm giàu chất béo, chứa nhiều muối, thuốc lá, rượu bia…
  • Tập luyện thể dục thể thao: Thường xuyên tập luyện các môn thể dục thể thao có lợi cho sức khỏe như đi bộ, chạy bộ, dưỡng sinh, yoga, bơi lội… Tập thể dục hàng ngày sẽ hỗ trợ tốt cho hệ thống tim mạch, hệ miễn dịch và cơ xương khớp.
Thường xuyên tập luyện thể thao để phòng ngừa bệnh tật
Thường xuyên tập luyện thể thao để phòng ngừa bệnh tật
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ hợp lý: Người bệnh nên duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý, tránh tăng cân, béo phì gây chèn ép lên xương và dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. 
  • Tránh tiếp xúc với nơi ẩm thấp, không khí lạnh: Sinh sống trong môi trường ẩm thấp, không khí lạnh sẽ dễ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Do đó, người bệnh nên lưu ý giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh. 
  • Thiết lập thời gian làm việc hợp lý: Làm việc trong một thời gian dài khiến cơ thể căng thẳng, stress, lo âu thường xuyên sẽ có khả năng cao mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Chính vì thế, bạn nên xây dựng thời gian làm việc hợp lý, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. 

Bài viết trên đã chia sẻ cho bạn thông tin về bệnh viêm khớp dạng thấp. Khi phát hiện những triệu chứng đáng ngờ, người bệnh nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được xét nghiệm, chẩn đoán và có phương pháp điều trị bệnh sớm nhất, tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Bổ sung nhiều loại trái cây, rau xanh tốt cho sức khỏe
Người bị viêm đa khớp dạng thấp kiêng ăn gì, nên ăn gì?
Mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp kiêng ăn gì, nên ăn gì? Đây là một vấn đề mà người bệnh cần nắm rõ để điều chỉnh chế độ ăn…

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.