Sâm Ngọc Linh: Công dụng, cách dùng, giá bán và cách phân biệt thật giả

Sâm Ngọc Linh được biết đến là một loại dược liệu quý hiếm có mặt trong rất nhiều bài thuốc Đông y chữa bệnh. Bởi sâm có giá trị dinh dưỡng cao và chữa được nhiều bệnh lý. Hãy cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây để hiểu hơn về loại sâm này. 

Sâm Ngọc Linh là gì?

Sâm Ngọc Linh là một loại sâm quý, được xếp vào top 5 loại nhân sâm tốt nhất thế giới với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Loại sâm này chủ yếu phân bố ở miền Trung – Trung Bộ của Việt Nam. 

Sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý hiếm của Việt Nam
Sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý hiếm của Việt Nam

Một số thông tin bạn đọc nên biết về Sâm Ngọc Linh:

  • Tên: Sâm Ngọc Linh.
  • Tên gọi khác: Sâm Ngọc Lĩnh, củ ngải rọm con, Sâm Trúc, Sâm Việt Nam, cây thuốc giấu, sâm khu 5. 
  • Tên khoa học của sâm: Panax Vietnamensis .
  • Sâm thuộc họ: Cuồng cuồng – Araliaceae.

Nguồn gốc sâm Ngọc Linh

Từ lâu đời, sâm Ngọc Linh đã được bà con vùng dân tộc thiểu số phát hiện và sử dụng như một loại thuốc quý bồi bổ cơ thể và chữa trị nhiều căn bệnh khác nhau. Lúc đầu, cây được gọi bằng những cái tên thân thuộc như củ Ngải Rọm, cây thuốc giấu.

Năm 1973, cán bộ Đào Kim Long thuộc khu y tế Trung Trung Bộ đã đến núi Ngọc Linh (Đăk Tô – Kon Tum) để tìm kiếm và nghiên cứu loại sâm này nhằm phục vụ cho quá trình điều trị cho thương bệnh binh trong giai đoạn chiến tranh.

Sau một thời gian tìm kiếm, ngày 19/3/1973, cán bộ đã phát hiện hai cá thể Sâm Ngọc Linh và tìm thấy cả một vùng sâm rộng lớn, trải dài trên núi Ngọc Linh. Ban đầu, đoàn công tác biết được đây là loại cây sinh sống chủ yếu ở vùng núi Ngọc Linh (có độ cao hơn 1800m so với mực nước biển) và chưa xuất hiện trên thế giới vào thời điểm đó. Chính bởi vì mọc nhiều trên núi Ngọc Linh mà loại cây đã được đặt tên gắn liền với vùng đất này. 

Tiếp tục công việc tìm kiếm, năm 1978, một đội công tác khác đã phát hiện cả một vùng Sâm Ngọc Linh rộng lớn với hơn 7000 km trải dài. Những nghiên cứu và phát hiện được loại sâm quý hiếm này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nền khoa học nước nhà nói chung và lĩnh vực y học cổ truyền nói riêng.

Đến năm 1984, sâm Ngọc Linh chính thức được nhà nước đưa vào sách đỏ Việt Nam vì số lượng cá thể đang cho xu hướng suy giảm mạnh. 

Mô tả hình dáng cây

Sâm Ngọc Linh là một loại cây thân thảo, thẳng đứng, có màu lục hoặc hơi tím. Cây sinh trưởng hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Thân cây nhỏ có đường kính từ 4 – 8mm, thân rễ cây có nhiều đốt như đốt trúc và có nhiều cùi thịt đường kính 1 – 3cm. 

Rễ cây mọc bò ngang trên hoặc dưới mặt đất khoảng 1 – 3cm, mang nhiều củ và rễ nhánh. Ngoài ra, bạn có thể nhận biết hình dáng Sâm Ngọc Linh qua các đặc điểm như sau:

Bộ phận lá sâm Ngọc Linh

  • Mỗi thân cây mang lá sẽ tương ứng với một đốt dài từ 0,5 – 0,7cm.
  • Sâm Ngọc Linh chỉ có duy nhất một lá và không rụng từ 1 – 3 năm.
  • Từ năm thứ 4 trở đi, cây sẽ mọc thêm từ 2 – 3 lá.
  • Lá trên đỉnh cây thường là lá kép, có hình chân vịt, mọc thành từng vòng với số lượng 3 – 5 nhánh lá.
  • Cuống của lá kép dài từ 6 – 12mm gồm có 5 lá chét.
  • Các lá chét có phiến hình bầu dục, chóp nhọn, mép khía có răng cưa, lá có lông ở hai mặt. Các lá chét ở giữa thường to hơn. 

Bộ phận hoa

  • Hoa có hình tán đơn, mọc dưới các lá và thẳng với thân.
  • Cuống của tán hoa thường dài từ 10 – 20cm, có thể đi kèm thêm 1 – 4 tán phụ hoặc thêm 1 hoa mọc dưới tán chính. 
  • Thông thường, mỗi tán sẽ có 60 – 100 hoa.
  • Cuống hoa có độ dài 1 – 1,5cm. Mỗi hoa có 5 cánh, màu vàng nhạt với 5 nhị, 1 vòi nhụy. 

Bộ phận quả

  • Mọc chủ yếu ở trung tâm của tán lá, dài từ 0,8 – 1cm, rộng từ 0,5 – 0,6cm.
  • Lúc đầu, quả sẽ có màu xanh, sau hai tháng quả chuyển sang màu xanh thẫm hoặc vàng lục. 
  • Khi chín, quả sẽ có màu đỏ cam và phần đỉnh có màu chấm đen.
  • Mỗi quả chứa từ 1 – 2 hạt, mỗi cây có khoảng 10 – 30 quả. 

Sâm Ngọc Linh có hình dáng tương tự nhân sâm Triều Tiên. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở Sâm Ngọc Linh có nhiều sẹo, đốt dài 0,5 – 0,7cm, 1 đốt là 1 lá. Đặc điểm này khá giống cây trúc nên nhiều vùng miền gọi là sâm trúc. 

Phân loại và phân bố

Sâm Ngọc Linh trồng ở đâu? Sâm mọc chủ yếu ở miền Trung Trung Bộ của nước ta với độ cao trên 1200m. Mật độ các thể cao nhất ở nơi có độ cao từ 1700 – 2000m dưới tán rừng già. Loại sâm này thường mọc thành đám dày dưới tán rừng, dọc theo các suối và trên nền đất ẩm nhiều mùn.

Cây thường mọc ở tán rừng, dọc các suối
Cây thường mọc ở tán rừng, dọc các suối

Dựa trên từng tiêu chí, người ta sẽ phân loại sâm Ngọc Linh như sau:

Về nguồn gốc

  • Sâm tự nhiên: Loại sâm này sẽ sinh sôi, phát triển trong môi trường tự nhiên và không có sự can thiệp của con người. Đây là loại sâm rất quý hiếm và có giá trị rất cao.
  • Sâm Ngọc Linh giống: Loại sâm này được nhân giống rộng rãi và được nuôi trồng nhân tạo nhằm mục đích kinh tế. 

Về trạng thái

  • Sâm tươi: Đây là loại sâm chưa qua sơ chế, vẫn còn nguyên và được bảo quản dưới nhiệt độ thấp (trong ngăn mát tủ lạnh). Loại sâm này vẫn còn nguyên chất dinh dưỡng bên trong.
  • Sâm khô: Đây là loại sâm đã qua sơ chế, phơi khô. Sâm khô sẽ dễ bảo quản hơn và dùng trong thời gian lâu hơn. Tuy nhiên, loại sâm này chỉ giữ được 95% chất dinh dưỡng bên trong. 

Về vùng miền

  • Sâm Ngọc Linh Kon Tum: Sâm Ngọc Linh ở đâu? Sâm thường phân bố chủ yếu ở huyện Đăk Tô hoặc huyện Tu Mơ Rông.
  • Sâm Ngọc Linh Quảng Nam: Thường phân bố chủ yếu ở huyện Nam Trà My, núi Ngọc Lum Heo và đỉnh Ngọc An.

Cách tính tuổi Sâm Ngọc Linh

Tính tuổi sâm chính xác sẽ giúp thu hoạch đúng lúc và có được lứa sâm đạt chất lượng cao. Đối với hầu hết các loại sâm, càng nhiều tuổi thì giá trị lại càng cao. 

Vào tháng 1, sâm Ngọc Linh bắt đầu đâm chồi non, phát triển thành cây trưởng thành có 1 tán hoa. Tháng thứ 4 – 6, hoa nở và có trái, đến tháng 7 trái chín. Cuối tháng 10, lá cây bắt đầu rụng dần và để lại các vết sẹo trên đầu củ sâm. Sau đó, cây sẽ bước vào giai đoạn ngủ đông đến hết tháng 12. Chu trình sẽ lặp lại tương tự như vậy.

Trong 3 năm đầu, cây chỉ rụng 1 lá, trên củ 1 chỉ có 1 sẹo tức là cây đã được 3 tuổi. Tiếp theo, cứ mỗi năm cây lại rụng 1 lá. Do đó, muốn biết sâm bao nhiêu tuổi, bạn chỉ cần đếm các vết sẹo trên củ sâm. Khi sâm có ít nhất 5 sẹo thì tiến hành thu hoạch. 

Bên cạnh đó, hầu hết các bộ phận của cây sâm đều có giá trị cao nên người ta thu hoạch cả phần lá rụng để làm dược liệu. 

Cách thu hoạch và bảo quản

Là một loại dược liệu quý hiếm có giá trị cao, việc thu hoạch sâm cũng cần sự cẩn trọng với một quy trình chặt chẽ. Khi thu hoạch và bảo quản câm, cần chú ý đến một số vấn đề như sau:

  • Thời điểm: Quá trình thu hoạch thường bắt đầu khi cây trên 3 tuổi. Thời điểm cây đạt giá trị dinh dưỡng cao nhất là 5 – 7 tuổi.
  • Thời gian: Thời gian tốt nhất để thu hoạch sâm là từ tháng 7 – tháng 10 mỗi năm. Vì thời gian này cây đã bắt đầu ra quả chín mọng, có thể thu quả, hạt. Phần lá sâm nên thu hoạch vào tháng 8 để lá phát triển ở mức tối đa. Cuối tháng 11, tháng 12, người dân có thể thu hoạch cây và củ
  • Sơ chế: Sau khi thu hoạch, bạn cần làm sạch phần rễ, củ và lá cây bằng nước rồi phơi khô. Phơi khô sẽ giúp bảo quản lâu dài và giữ nguyên dược tính có trong cây.
  • Bảo quản: Bảo quản sâm trong bình có nắp đậy kín, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm mốc, có mối hay mọt. 

Thành phần có trong sâm

Theo nghiên cứu, sâm Ngọc Linh có hàm lượng Saponin cao hơn nhiều so với các loại sâm khác. Cụ thể:

  • Thân rễ, củ chứa đến 52 hợp chất Saponin. Trong đó có hơn 50% Saponin dammaran kiểu Ocotilol với Majonoside-R2, Saponin triterpen cùng các loại Saponin khác như Ro, Rb1, Rb2, Rc, Rd, Rf, Rg2, Rg3 Rh1, Rh2…
  • 17 loại axit amin bao gồm Phenylalanine, Leucine, Valine, Threonine, Methionine, Lysine, Isoleucine,…
  • 20 loại nguyên tố vi lượng như Fe, Co, Cu, K, các loại vitamin E, B12, B2…
  • Chứa 7 hợp chất Polyacetylen.
  • Các loại tinh dầu, Glucid, Lipid…

Xem thêm:

Sâm Ngọc Linh có tác dụng gì?

Như đã nói, sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý và có thể dùng để chữa trị nhiều bệnh lý. Dưới đây là một số công dụng của loại sâm này:

  • Bồi bổ cơ thể: Sâm có tác dụng điều hòa hệ tiêu hóa, giúp người bệnh ăn ngon miệng, ngủ đủ giấc, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, loại sâm này còn rất thích hợp với những người bị suy dinh dưỡng, còi xương, người cao tuổi, người bị thiếu máu.
  • Làm chậm quá trình lão hóa: Nhờ vào hàm lượng Saponin cao mà sâm có thể ức chế hình thành MDA, chống oxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa trong cơ thể. Sử dụng sâm mỗi ngày sẽ giúp cho da dẻ hồng hào, trẻ hóa, tóc mượt mà…
  • Điều hòa hoạt động tim mạch: Hoạt chất trong sâm có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu, giúp ổn định đường huyết và phòng chống các bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn, viêm phế quản: Nhờ công dụng kháng viêm, kháng khuẩn, sâm sẽ giúp làm dịu các cơn ho, giảm đau họng, long đờm, ngăn ngừa cơn hen suyễn tái phát. 
  • Chống trầm cảm, stress: Sâm có chứa thành phần Majonoside – R2 có tác dụng phục hồi rối loạn chức năng do stress, giải tỏa căng thẳng, chống trầm cảm, chữa suy nhược thần kinh.
  • Tăng cường sinh lý: Dưỡng chất trong sâm sẽ kích thích hoạt động của não bộ với tuyến yên nhằm thúc đẩy sản sinh nội tiết tố sinh dục. Đồng thời giúp tăng cường sức khỏe sinh lực.
  • Chữa thiếu máu, bổ huyết: Kích thích cơ thể tăng các tế bào hồng cầu, tiểu cầu giúp bổ máu, chữa bệnh suy tiểu cầu.
Sâm có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe
Sâm có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe
  • Hỗ trợ hệ thần kinh: Sâm giúp tăng cường trí nhớ, khả năng vận động của não bộ trở nên linh hoạt hơn. Loại sâm này cũng rất phù hợp đối với người cao tuổi nhằm điều trị tình trạng hay quên, trí nhớ kém…
  • Hỗ trợ điều trị ung thư: Các hoạt chất trong sâm có khả năng ức chế sự phát triển của các khối u nhú, làm tiêu tan tế bào lạ và ngăn ngừa mầm mống ung thư. Bên cạnh đó, sử dụng sâm sẽ giúp cải thiện sức khỏe sau khi xạ trị, hóa trị và kéo dài sự sống.
  • Một số công dụng khác: Tăng cường chức năng gan, giải độc gan và hỗ trợ chữa tiểu đường rất tốt. Hơn nữa, sâm Ngọc Linh còn có tác dụng cầm máu vết thương, chữa bệnh ở đường tiêu hóa. 

Cách dùng Sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh vị hơi đắng, không độc nên bạn có thể yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, người dùng cần phải sử dụng đúng liều lượng, đúng cách để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất. 

Ngậm trực tiếp

Bạn có thể sử dụng sâm bằng cách ngậm trực tiếp:

  • Đối với sâm tươi, bạn cần rửa sạch và cắt thành từng lát mỏng. Đối với sâm khô, bạn dùng 1 lát mỏng.
  • Ngậm sâm trực tiếp trong miệng cho đến khi sâm tan hoàn toàn. 

Cách này phù hợp cho những người bị ốm, cơ thể mệt mỏi, kém ăn, người mắc bệnh hen suyễn, khó thở, bệnh tật lâu ngày. Đối với sâm tươi, bạn nên bảo quản trong tủ lạnh và chỉ dùng trong 2 – 3 ngày. 

Ngâm sâm với mật ong

Dùng sâm tươi ngâm với mật ong phù hợp với nhiều đối tượng như người cao tuổi, người bị ốm, người bệnh tật. Hỗn hợp này giúp bồi bổ sức khỏe, kích thích hoạt động của não bộ, hệ thần kinh. 

  • Bạn rửa sạch khoảng 1kg sâm tươi, để ráo nước và thái thành từng lát mỏng.
  • Cho sâm vào bình thủy tinh rồi cho mật ong vào ngập các lát sâm, đậy nắp kín và ngâm trong khoảng 1 tháng. Trong khi ngâm, nếu có bọt trắng thì vớt bọt để tránh làm chua sâm.
  • Mỗi ngày, bạn ngậm khoảng 3 – 5 lát sâm trong miệng cho đến khi sâm tan hoàn toàn. Dùng liên tục trong một thời gian sẽ giúp bồi bổ và tăng cường sức khỏe. 

Để phát huy công dụng, bạn nên sử dụng vào buổi sáng sớm, lúc bụng vẫn còn đói. Khi đó, cơ thể chưa hấp thu hết các dưỡng chất khác nên mao mạch dễ hấp thu từ sâm. 

Pha trà

Pha trà là một cách làm đơn giản nhưng mang đến hiệu quả cao. Uống trà sâm Ngọc Linh mỗi ngày sẽ giúp bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa bệnh tật và chống lão hóa.

  • Rửa sạch củ sâm, thái lát thành từng miếng mỏng.
  • Dùng khoảng 1 – 2g sâm cho vào ấm, đổ nước sôi và hãm trong 5 phút là có thể sử dụng. 

Bạn có thể uống bã trà vài lần, sau khi uống hết thì tiếp tục hãm cho đến khi nước trà nhạt dần. Bạn lấy bã nhai và nuốt. 

Hầm thuốc bắc

Bài thuốc này đặc biệt tốt cho những người có sức khỏe yếu, người mới ốm dậy, người cao tuổi, người mắc bệnh nan y, ung thư.

  • Rửa sạch củ sâm rồi thái thành 5 – 6 lát, hầm với thuốc bắc.
  • Mỗi tuần dùng 1 – 2 lần để đạt được kết quả tốt nhất. 

Nấu cháo sâm Ngọc Linh

Sử dụng sâm nấu cháo sẽ giúp bổ sung chất dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe cho người bệnh, điều trị các bệnh mãn tính về đường tiêu hóa như ruột, đau dạ dày

  • Bạn dùng 3g sâm sắc cùng với nước trong 30 phút.
  • Bạn cho gạo trắng vào, nấu thành cháo và nêm nếm cho vừa ăn. Người bệnh nên ăn cháo khi còn ấm để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Ngâm rượu

Dùng rượu sâm Ngọc Linh vừa giúp bồi bổ sức khỏe, vừa giúp tăng cường chức năng sinh lý, mạnh gân cốt, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tật hiệu quả. Cách thực hiện như sau:

  • Bạn chuẩn bị khoảng 100g sâm khô hoặc 500g sâm tươi sơ chế sạch sẽ.
  • Ngâm nguyên liệu này với 2 – 3 lít rượu trắng ngon 50 độ, được trong bình thủy tinh. Sau khoảng 3 tháng, bạn có thể lấy ra và sử dụng.
Bạn có thể ngâm rượu sâm ngọc linh để sử dụng
Bạn có thể ngâm rượu sâm Ngọc Linh để sử dụng

Mỗi ngày, người bệnh chỉ nên uống 50 – 100ml rượu thuốc và không nên lạm dụng. Đối với những người mắc bệnh huyết áp, ung thư, tim mạch, người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và đang cho con bú thì không nên sử dụng rượu. 

Mua Sâm Ngọc Linh ở đâu? Sâm Ngọc Linh giá bao nhiêu 1kg?

Người dùng có thể tìm mua sâm Ngọc Linh tại các công ty, đại lý, cơ sở phân phối sâm uy tín từ thiên nhiên hoặc nuôi trồng nhân tạo. Hiện nay, sâm được thu hoạch và vận chuyển về các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Do đó, người mua có thể dễ dàng tìm đến các cơ sở uy tín để mua được sâm đảm bảo chất lượng.

Sâm Ngọc Linh giá bao nhiêu? Giá sâm thông thường sẽ dao động theo từng thời điểm khác nhau và không có mức giá cố định. 

Bạn có thể tham khảo mức giá sâm Ngọc Linh ở thời điểm hiện tại như sau:

  • Sâm tự nhiên: Giá sâm Ngọc Linh rừng khoảng 60 – 150 triệu/kg và giá sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, hình dạng của sâm.
  • Sâm nhân tạo: Khoảng 55 – 80 triệu/kg.
  • Sâm khô: Giá cao gấp 5 lần sâm tươi, cứ 5kg sâm tươi thì mới bào chế được 1kg sâm khô. 

Lá sâm Ngọc Linh bao nhiêu tiền? Giá thường dao động từ 5,5 – 6 triệu đồng/kg lá tươi. 

Một số lưu ý khi mua và sử dụng Sâm Ngọc Linh

Trong quá trình sử dụng Sâm Ngọc Linh, để lưu giữ được những hoạt chất có bên trong và đảm bảo an toàn bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau:

Đối tượng không nên sử dụng

Mặc dù đây là loại sâm rất bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng. Dưới đây là những trường hợp không nên sử dụng sâm:

  • Phụ nữ đang có thai: Sâm kích thích sản sinh nội tiết tố nữ nên ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng loại sâm này.
  • Người bị rối loạn tiêu hóa: Những người bị đau bụng, đầy hơi, khó tiêu cũng không nên sử dụng sâm. Vì cơ thể đang bị hàn xâm nhập, sâm lại có tính hàn nên sẽ khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn.
  • Người bị cao huyết áp: Sâm sẽ khiến huyết người bệnh áp tăng đột ngột. Tình trạng này rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây đột quỵ.
  • Trẻ nhỏ khỏe mạnh: Các bé khỏe mạnh sử dụng sâm sẽ gây dư thừa từ đó kích thích tăng trưởng, phát triển sinh lý sớm, gây ra tình trạng béo phì, dậy thì. 

Một số tác dụng phụ

Cho đến hiện tại, sâm Ngọc Linh chưa ghi nhận các tác dụng phụ nguy hiểm gây hại cho cơ thể người nếu sử dụng với liều lượng phù hợp. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá liều, sâm sẽ gây ra một số biểu hiện rối loạn như tiêu chảy, đầy bụng, mất ngủ do hệ thần kinh bị kích thích quá mức. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng 2 – 6g sâm mỗi ngày. 

Tương tác của sâm với các loại thực phẩm khác

Trong quá trình sử dụng, người bệnh lưu ý không nên dùng sâm với:

  • Hải sản và củ cải: Hai nhóm thực phẩm này sẽ làm giảm tác dụng của sâm khi được đưa vào cơ thể.
  • Nước trà: Sâm được dùng như một loại nước trà uống hàng ngày. Tuy nhiên, không nên kết hợp nước trà và sâm vì chúng có thể gây ra những phản ứng không tốt.

Bạn nên ngâm sâm trong bình thủy tinh, sành sứ. Không nên ngâm trong bình kim loại, nhựa vì sẽ xuất hiện các phản ứng hóa học khiến chất lượng sâm bị suy giảm.

Để sâm phát huy công dụng, người uống cần tránh xa rượu, bia, các chất kích thích và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.

Cách phân biệt sâm thật, giả

Để lựa chọn được loại sâm chất lượng, bổ dưỡng, người dùng nên lưu ý:

Bạn có thể dựa vào mùi vị, hình dáng để phân biệt sâm thật và giả
Bạn có thể dựa vào mùi vị, hình dáng để phân biệt sâm thật và giả
  • Sẹo ở củ sâm: Sẹo ở sâm Ngọc Linh thường không sâu như các loại sâm khác. Sâm đủ 3 tuổi mới bắt đầu có sẹo, sẹo sẽ đối xứng với nhau. Củ sâm nào càng nhiều sẹo thì càng có giá trị cao.
  • Mặt cắt: Khi cắt sâm, bề mặt thường có màu vàng nhạt, mịn, ranh giới giữa vỏ và ruột được phân biệt rõ ràng, có thể quan sát bằng mắt thường. Với củ sâm giả, ruột thường có màu nâu tím, vỏ và ruột có màu sắc không rõ ràng.
  • Mùi vị: Sâm thật có mùi thơm dịu, vị đắng. Sau khi khi nếm, vị ngọt thanh sẽ đọng lại đầu lưỡi. Sâm giả thường có mùi hắc, vị rất đắng và khó ăn.

Hy vọng qua nội dung bài viết trên, bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích về Sâm Ngọc Linh và giá trị dinh dưỡng của nó. Với những công dụng tuyệt vời, sâm Ngọc Linh xứng đáng là một loại dược liệu quý hiếm ở Việt Nam. 

Đọc ngay:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.