Đau vai gáy: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý

Đau vai gáy gây ra tình trạng đau nhức, ê mỏi, co cứng cổ. Bệnh lý này có thể xảy ra do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, nhưng cũng có thể do các bệnh lý xương khớp mãn tính. Vậy đau vai gáy có dấu hiệu bệnh như thế nào, cách điều trị và phòng ngừa ra sao? 

Đau vai gáy là bệnh gì?

Đau vai gáy là tình trạng rối loạn cơ – xương. Biểu hiện đặc trưng là tình trạng ê mỏi, đau nhức, tê bì ở cổ, vai và gáy. Hiện tượng này khởi phát do cơ bị co cứng cục bộ và đột ngột. Phần xương khớp ở đốt sống của người bệnh bị tổn thương cũng gây ra đau nhức vai gáy.

Đau vai gáy là một dạng rối loạn cơ xương phổ biến
Đau vai gáy là một dạng rối loạn cơ xương phổ biến

Tình trạng đau mỏi vai gáy đã trở thành bệnh lý phổ biến và nhiều người mắc phải hiện nay. Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là người trong độ tuổi trung niên. Một số đối tượng dưới đây cũng có nguy cơ cao mắc bệnh đau mỏi vai gáy:

  • Người làm nghề lái xe đường dài, người lao động nặng nhọc và thường xuyên khuân vác nặng.
  • Thợ may hay nhân viên văn phòng phải ngồi làm việc trong thời gian dài, ít vận động.
  • Người có dị tật bẩm sinh ở vùng cổ.
  • Người từng mắc các căn bệnh liên quan đến cột sống, đĩa đệm hoặc bệnh ung thư, lao.
  • Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bị đau vai gáy ở tuổi dậy thì. 

Nguyên nhân gây đau vai gáy

Tại sao đau vai gáy? Bệnh đau vai gáy có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp là do tình trạng rối loạn cơ xương ở vùng cổ, vai, gáy dẫn đến tình trạng đau nhức, co cứng. 

Người bệnh bị đau 1 bên vai gáy hoặc cả hai bên có thể xảy ra bởi những nguyên nhân như sau:

Nguyên nhân thông thường

  • Tính chất công việc: Người ngồi làm việc quá lâu như nhân viên văn phòng, thợ may… sẽ bị chèn ép các cơ ở vai và cổ. Khi đó, khí huyết trong cơ thể rất khó lưu thông và dẫn đến tình trạng tê mỏi, đau nhức vai gáy.
  • Thói quen sinh hoạt xấu: Nằm xem tivi, ngồi lâu, đứng hoặc ngồi sai tư thế, cúi cổ quá lâu, ngủ kê gối cao… đều là những thói quen xấu khiến bạn bị đau mỏi vai gáy.
  • Cơ thể bị nhiễm lạnh: Thường xuyên ngủ quạt, hạ nhiệt độ máy lạnh quá thấp, tắm nước lạnh vào ban đêm, đi mưa… sẽ làm co mao mạch ở vùng cổ và dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ. Từ đó gây đau nhức, tê bì vai gáy, cổ.
  • Tập luyện quá sức: Tập luyện thể thao quá mức cũng ảnh hưởng xấu đến cơ xương khớp. Đặc biệt, khi tập luyện với cường độ cao, sai kỹ thuật sẽ gặp phải tình trạng đau vai gáy.
  • Chấn thương: Nếu bạn đã từng bị chấn thương ở vùng vai, cổ, gáy khi làm việc, sinh hoạt thì có thể ảnh hưởng đến cột sống và dây chằng. Phần vai gáy của người bệnh sẽ bị đau nhức hoặc có nguy cơ bị viêm nhiễm nặng.
  • Tuổi tác: Tuổi tác cao là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng đau vai gáy. Lúc này, mạch máu, cơ bắp, xương khớp ở người trung niên vào người cao tuổi có xu hướng suy yếu, thoái hóa và dễ bị rối loạn hơn người trẻ. 
  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau vai gáy ở tuổi dậy thì. Ở độ tuổi này, việc thiếu hụt vitamin D, vitamin C, canxi sẽ làm cho hệ thần kinh, cơ bắp, xương khớp chậm phát triển. 

Nguyên nhân bệnh lý

Ngoài những nguyên nhân thông thường, tình trạng nhức mỏi vai gáy còn cảnh báo bạn đang mắc phải một số bệnh lý trong cơ thể. Vậy bệnh đau vai gáy là biểu hiện của bệnh gì?

  • Vôi hóa cột sống: Bệnh sẽ hình thành các gai xương, gây chèn ép lên dây thần kinh và khiến người bệnh bị đau mỏi ở vùng vai gáy.
  • Thoái hóa đốt sống cổ: Khi đốt sống cổ bị thoái hóa, các gai xương sẽ phát triển và chèn ép lên các dây thần kinh ở phần vai gáy. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau nhức, co cứng dữ dội.
  • Viêm bao khớp vai: Khi mắc căn bệnh này, bệnh nhân sẽ bị đau vai gáy vào ban đêm hoặc khi thời tiết trở lạnh. Người bệnh càng cảm thấy đau hơn khi nằm với tư thế nghiêng. Khi chảy đầu, giơ tay lên cao, bạn cũng cảm thấy đau nhức. 
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau mỏi vai gáy
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nhức mỏi vai gáy
  • Chức năng thần kinh bị biến đổi: Bệnh nhân sẽ cảm thấy bị mỏi, nhức ở vùng vai gáy khi các dây thần kinh kinh tại đây bị kéo giãn. Đau vai gáy người mệt mỏi và làm suy giảm sức khỏe. 
  • Viêm xoang đau vai gáy: Tình trạng này xảy ra là do vi khuẩn ứ đọng tại các hốc xoang. Khi đó gây ra phản ứng viêm và ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh xung quanh. Cơn đau sẽ xảy ra ở vùng vai gáy, vùng chẩm và đỉnh đầu. 

Nhức mỏi vai gáy do nguyên nhân bệnh lý có thể tiến triển dai dẳng, mãn tính và rất dễ tái phát. Nếu không can thiệp y tế kịp thời, các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn và gây ra các biến chứng nặng nề. 

Đau mỏi vai gáy tự phát

Thực tế, có những trường hợp bị đau vai gáy tự phát mà không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp này đều không đáng lo ngại vì triệu chứng sẽ thuyên giảm sau một thời gian nhất định. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh đau vai gáy

Biểu hiện lâm sàng của bệnh đau và nhức mỏi vai gáy khá đa dạng. Điều này phụ thuộc vào cơ địa, nguyên nhân gây bệnh và khả năng chịu đựng cơn đau của mỗi người. Tương tự như các bệnh lý xương khớp khác, nhức mỏi vai gáy sẽ có xu hướng nghiêm trọng hơn theo thời gian và mức độ đau tăng lên khi có tác động của cơ học.

Các triệu chứng nhận biết bệnh đau vai gáy như sau:

  • Xuất hiện các cơn đau có mức độ âm ỉ đến dữ dội ở vai, gáy, cổ.
  • Cơn đau có thể đau âm ỉ với mức độ không đáng kể hoặc đau nhói như điện giật, mệt mỏi, khó chịu. 
  • Lúc đầu, cơn đau xuất hiện ở vùng cổ, sau đó lan đến mang tai, thái dương hoặc bả vai, cánh tay, thậm chí là bàn tay.
  • Trường hợp nặng có thể đi kèm với tình trạng tê bì, dị cảm ở bàn tay, cánh tay, co cứng cơ…
  • Cơn đau sẽ dữ dội hơn khi cơ thể bị nhiễm lạnh, căng thẳng, lao động nặng, ho, hắt hơi, thay đổi tư thế đột ngột… Tình trạng đau nhức sẽ thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi.
  • Trong một số trường hợp, người bệnh bị đau mỏi vai gáy sốt nhẹ, hoa mắt, chóng mặt, ù tai. 

Đau vai gáy có phải là bệnh lý nguy hiểm?

Theo các chuyên gia, đau và nhức mỏi vai gáy là tình trạng không quá nguy hiểm và có thể thuyên giảm sau thời gian chăm sóc và điều trị. Các triệu chứng khó chịu ở vùng vai, gáy, cổ có thể biến mất hoàn toàn chỉ sau 6 – 12 tuần nếu người bệnh sửa tư thế xấu, thay đổi thói quen ít vận động và uống thuốc.

Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh sẽ tiến triển dai dẳng, khó điều trị và tái phát nhiều lần. Cơn đau và triệu chứng đi kèm sẽ có xu hướng nặng hơn theo thời gian. Bệnh đau vai gáy có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Đau vai gáy thiếu máu não.
  • Rối loạn tiền đình, gây đau nhức ở rễ thần kinh.
  • Tổn thương đám rối dây thần kinh ở tay.
  • Tủy sống và vùng cổ bị chèn ép. 
Đau vai gáy có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không điều trị kịp thời
Đau vai gáy có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không điều trị kịp thời

Ngoài ra, triệu chứng của bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng tập trung, năng suất làm việc và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, khi phát hiện triệu chứng, bệnh nhân nên thăm khám sớm để có phương pháp điều trị kịp thời. 

Các phương pháp điều trị bệnh đau vai gáy

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định tiến hành một số kỹ thuật để chẩn đoán bệnh như chụp X quang, chụp cộng hưởng MRI, đo điện cơ… Các kỹ thuật này giúp bác sĩ chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh và mức độ tổn thương ở cột sống. 

Mục tiêu điều trị bệnh đau vai gáy là kiểm soát triệu chứng đau nhức và giảm rối loạn cơ xương. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh được áp dụng phổ biến:

Điều trị bằng Tây y

Uống thuốc Tây y là một trong những phương pháp chữa nhức mỏi vai gáy phổ biến hiện nay. Thuốc tân dược sẽ giúp giảm các cơn đau nhức, nóng rát, tê bì, cứng cổ… Các loại thuốc Tây điều trị bệnh nhức mỏi vai và gáy như:

  • Thuốc giảm đau, chống viêm: Một số loại thuốc giảm đau, chống viêm như Paracetamol, NSAIDS được chỉ định điều trị giảm các cơn nhức ở cổ, gáy, vai. Nếu cơn đau ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc bôi, xịt hoặc dán để giảm các tác dụng phụ. Tuy nhiên, trong trường hợp cơn đau nặng, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc dạng uống hoặc dạng tiêm.
  • Thuốc giảm đau thần kinh: Với những trường hợp không đáp ứng thuốc giảm đau, chống viêm, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc giảm đau thần kinh như Gabapentin, Pregabalin. Nhóm thuốc này giúp giảm cơn đau nhức và một số triệu chứng do rễ thần kinh bị chèn ép. 
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng tê bì, nhức mỏi vai gáy và các bệnh lý liên quan đến cột sống. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm trương lực cơ, tăng tuần hoàn máu ngoại biên. Từ đó giúp cải thiện tình trạng đau nhức, co thắt cơ. Các loại thuốc giãn cơ thường được sử dụng như Eperisone và Tolperisone.
  • Vitamin nhóm B: Đối với trường hợp bệnh do bệnh lý mãn tính, bác sĩ sẽ chỉ định uống bổ sung vitamin B. Nhóm vitamin này có công dụng tái tạo tế bào thần kinh, hỗ trợ giảm co cứng cơ, đau ở vùng cổ, vai, gáy. 

Hầu hết các loại thuốc Tây y đều gây ra các tác dụng phụ cho cơ thể. Vì vậy, người bệnh chỉ nên uống thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ và không được lạm dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm. 

Nếu trường hợp nhức mỏi vai gáy không thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật khi cần thiết. Phương pháp phẫu thuật sẽ tác động và loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng đến cột sống, cơ bắp, thần kinh. Từ đó, các cơn đau nhức sẽ thuyên giảm và khả năng lao động, vận động của bệnh nhân được phục hồi nhanh chóng. 

Đông y chữa bệnh đau vai gáy

Theo quan niệm Đông y, đau vai gáy thuộc trạng thái kiên tý. Người bệnh bị phong, hàn, thấp xâm nhập vào cơ thể. Khí huyết bị ứ trệ, kinh lạc bị thương dẫn đến tình trạng nhức mỏi vai gáy, cơ thể mệt mỏi thường xuyên. 

Các bài thuốc Đông y không chỉ làm giảm triệu chứng lâm sàng mà còn giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe tổng thể một cách rõ rệt. Dưới đây là một số bài thuốc Đông y chữa bệnh ê mỏi vai gáy bệnh nhân có thể sử dụng:

  • Bài thuốc số 1: Quế chi 6g, độc hoạt, cam thảo, mộc hương mỗi loại 10g, tần giao và cành dây mỗi loại 6g. Người bệnh sắc thuốc với 1 lít nước lọc. Khi nước cạn còn 1 bát con, bạn chắt nước ra và chia thành 3 bữa uống trong ngày.
  • Bài thuốc số 2: Quy xuyên, bạch chỉ, sinh khương mỗi vị 8g, chích thảo, hoàng kỳ và ma hoàng mỗi vị 14g. Người bệnh sắc thuốc cùng 1000ml nước. Khi thuốc chuyển sang màu đậm và cạn còn 300ml, bạn chắt thuốc ra bát và chia thành 3 – 4 lần uống.
  • Bài thuốc số 3: Diêm thảo, huyền sâm, tỳ giải mỗi loại 8g, diếp cá, kim ngân hoa mỗi loại 10g. Người bệnh dùng 1,2 lít nước để sắc trong nồi ấm. Khi nước cạn còn ¼ lượng nước ban đầu, bệnh nhân chắt thuốc ra uống vào buổi sáng, trưa, tối sau mỗi bữa ăn. 
Người bệnh có thể điều trị bằng các bài thuốc Đông y
Người bệnh có thể điều trị nhức mỏi vai gáy bằng các bài thuốc Đông y

Các bài thuốc Đông y điều trị đau mỏi vai gáy từ căn nguyên của bệnh. Tuy nhiên, thuốc thường phát huy công dụng chậm, rất khó uống nên người bệnh phải kiên trì sử dụng thuốc trong một thời gian dài. 

Mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà

Mẹo dân gian phù hợp áp dụng cho những bệnh nhân bị nhức mỏi vai gáy ở mức độ nhẹ. Cách này thường được nhiều người áp dụng vì an toàn, lành tính và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa người bệnh, mức độ đau nhức.

Một số mẹo dân gian chữa bệnh đau vai gáy thường được nhiều người áp dụng như:

  • Ngải cứu: Người bị nhức mỏi vùng vai gáy, đau cột sống có thể sử dụng lá ngải cứu để giảm tình trạng đau nhức. Bạn chuẩn bị một nắm lá nhỏ ngải cứu, sao vàng với một ít muối trắng. Bọc hỗn hợp bằng khăn sạch và chườm trực tiếp lên vùng bị đau nhức.
  • Lá lốt: Lá lốt có tác dụng giúp tán khí hàn trong kinh lạc, thúc đẩy máu huyết lưu thông đều đặn. Từ đó giúp cải thiện cảm giác đau nhức, co cứng cổ, vai và gáy. Bạn rửa sạch lá lốt, phơi khô và nấu với nước uống hàng ngày. 
  • Trà gừng: Gừng là vị thuốc dân gian được nhiều người bệnh áp dụng để điều trị bệnh đau nhức cơ xương khớp. Bạn dùng một củ gừng đã cạo vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng và pha cùng nước sôi trong khoảng 20 phút. Bạn có thể pha trà gừng với 1 – 2 thìa mật ong để uống vào buổi sáng. 

Phương pháp chăm sóc tại nhà

Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh có thể áp dụng một số cách điều trị ngay tại nhà như sau:

  • Chườm ấm: Chườm ấm lên vùng cổ sẽ giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn cơ và giảm đau nhức. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể ngâm mình trong nước ấm để giảm căng thẳng và cải thiện tình trạng đau nhức, co cứng vùng cổ. 
  • Nghỉ ngơi: Khi bị đau nhức vai gáy nhẹ, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi để bệnh thuyên giảm mà không cần can thiệp y tế. Chỉ sau từ 1 – 2 ngày nghỉ ngơi, cơn đau mỏi sẽ thuyên giảm rõ rệt. 
  • Tập luyện các bài tập vai gáy: Người bệnh có thể tập luyện các bài tập đơn giản tại nhà để cải thiện tình trạng nhức mỏi vai gáy. Bạn có thể xoay đầu qua hai bên từ trái qua phải, ngẩng đầu lên, cúi cổ xuống để các cơ thư giãn. 

Cách phòng ngừa bệnh nhức mỏi vai gáy

Đau vai gáy có thể tái đi tái lại nhiều lần và trở thành bệnh mãn tính. Vì vậy, sau điều trị, người bệnh nên chủ động thực hiện một số cách phòng ngừa như sau:

  • Hạn chế ngồi làm việc quá lâu, tắm nước lạnh vào ban đêm, kê cao gối khi ngủ. Sau 1 – 2 giờ làm việc, bạn nên đi lại nhẹ nhàng để vùng cổ, vai, gáy được thư giãn.
  • Giữ ấm cho vùng cổ khi thời tiết chuyển lạnh hoặc khi ngủ vào ban đêm.
  • Cần giữ thẳng cổ khi làm việc, đọc sách, không cúi gập cổ quá lâu. 
  • Tránh tập luyện các môn thể thao đòi hỏi phải xoay cổ thường xuyên như cầu lông, tennis… Người bệnh nên tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, yoga để cải thiện độ dẻo dai của cột sống. 
Người bệnh nên tập luyện thể dục thể thao để phòng ngừa bệnh
Người bệnh nên tập luyện thể dục thể thao để phòng ngừa đau nhức xương khớp
  • Kiểm soát và điều trị kịp thời các căn bệnh gây nhức mỏi vai gáy như thoái hóa đốt sống cổ, trượt đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm…
  • Thận trọng khi tham gia giao thông, làm việc, sinh hoạt, chơi thể thao để giảm nguy cơ chấn thương ở vùng cổ. 
  • Người bệnh có thể thực hiện các bài tập luyện dành riêng cho vùng cổ khi ngồi làm việc quá lâu. Tuy nhiên, người bệnh không được tập luyện quá mức gây ra tác dụng dụng ngược, khiến tình trạng đau nhức diễn biến nặng hơn. 

Đau vai gáy là gì? Bài viết trên đã giải đáp rõ thắc mắc cho bạn. Đây là tình trạng phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đối tượng. Nếu bệnh không thuyên giảm sau thời gian tự chăm sóc tại nhà thì người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và điều trị sớm nhất. 

Người bệnh đau vai gáy nên bổ sung nhiều canxi
Đau vai gáy nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện bệnh? [Bác sĩ giải đáp]
Đau vai gáy nên ăn gì, kiêng gì mau khỏi bệnh? Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh đau…

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.